Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Doanh nghiệp hiện vẫn có điểm sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Việc dễ dàng đăng ký vốn cổ phần lớn bất thường, cần được giám sát, kiểm tra, tránh trường hợp lợi dụng để lừa khách hàng và đối tác.

Bất thường những công ty địa ốc ngàn tỷ

Những thông tin trên vừa được HoREA đưa ra trong thời điểm có nhiều thông tin trái chiều về một số doanh nghiệp địa ốc cùng “họ” Alibaba, với vốn điều lệ khủng. Trong đó, điển hình là: Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng.
Về việc thành lập và hoạt động của các công ty trong nhóm Alibaba, tại TP.HCM, HoREA cho biết, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 05/05/2016 với vốn điều lệ chỉ 01 tỷ đồng; đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng; đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/09/2017, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đăng kí vốn ngàn tỷ để lừa khách hàng ?

Khủng nhất trong “họ” Alibaba là Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM, vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng. Công ty này có 03 cổ đông. Trong đó, riêng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng (?!), tương đương 65% vốn điều lệ.
HoREA cho rằng, việc Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đến 7.800 tỷ đồng là không bình thường.
Đối chiếu với các tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 01 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng; 03 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.
Trước đó, ngày 14/11, HoREA đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp liên quan đến những thông tin sai sự thật về việc Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành TP.HCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3”.

Luật còn lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng 

Theo HoREA, Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng, nhưng có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo.
“Điều 111, tại khoản 1 quy định "Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty".
Tại khoản (5.a) quy định công ty có thể thay đổi vốn điều lệ "Theo quyết định của đại hội đồng cổ đông".
Tại khoản 1 điều 112 quy định "các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".
Tại điều 31 quy định về đăng ký thay đổi nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, nhưng không quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũ” - HoREA dẫn ví dụ,
Như vậy, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký vốn cổ phần rất lớn như các công ty Alibaba nêu trên: (1) Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng; (2) Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh đăng ký vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng.
Hiệp hội nhận thức đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.
Bên cạnh đó, HoREA cho rằng, có độ "vênh" giữa Luật Kinh doanh Bất động sản và Bộ Luật Dân sự trong quá trình áp dụng pháp luật, để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự). Do đã bị kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.
Để hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng, theo HoREA, cần rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp; Bộ luật Dân sự tương thích với Luật Kinh doanh bất động sản, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh những sơ hở, lỏng lẻo, thiếu phối hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng để huy động vốn trái phép khi bán bất động sản hình thành trong tương lai như đã xảy ra trong thời gian qua.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top